1. Không chịu đọc tài
liệu trước khi dùng:
Đây là một trong những
thói quen tệ hại nhất nhưng lại thường gặp nhất. Có lẽ thói quen này nảy sinh
từ tính thân thiện của "giao diện đồ hình" (GUI) khiến cho người dùng
bồi đắp thói quen mò mẫm mà không cần đọc hướng dẫn nhưng cũng sử dụng được
máy. Việc này không có gì đáng ngại đối với người dùng (rất) bình thường. Tuy
nhiên, nếu bạn có ý định theo đuổi ngành CNTT một cách nghiêm túc thì hãy bỏ
ngay thói quen tai hại này bởi vì đây là rào cản lớn nhất cho sự phát triển.
Kiến thức vững chắc không phải... mò mà ra. Tài liệu hướng dẫn không
phải vô cớ mà được viết ra.
2. Đọc lướt:
Đây cũng là một thói
quen tệ hại và phổ biến không kém. Ngay trên những diễn đàn, với những ý kiến
và chỉ dẫn bằng tiếng Việt rất cô đọng, rành mạch và dễ hiểu nhưng vẫn có quá
nhiều người chỉ đọc lướt để rồi quay lại tiếp tục thắc mắc. Đây là thói quen
cực kỳ nguy hiểm bởi vì nó rèn cho trí não thói quen đọc lướt. Việc này dẫn đến
chỗ kiến thức thu thập một cách hời hợt, tạm bợ và chắp vá. Nếu những ý kiến
bằng tiếng Việt rất cô đọng, rành mạch và dễ hiểu nhưng vẫn không chịu khó đọc
kỹ và suy gẫm thì việc tham khảo, tổng hợp các sách tiếng nước ngoài gần như là
vô khả thi.
3. Bắt chước mà không
suy nghĩ:
Khi bắt đầu làm quen
với những thứ trong ngành CNTT, cách dễ nhất là bắt chước làm theo từng bước.
Nếu cứ nhắm mắt làm theo nhưng không hề suy nghĩ lý do tại sao mình làm như
vậy, không thử đặt câu hỏi những gì xảy ra đằng sau những "bước" ấy
thì không chóng thì chày sẽ tạo cho mình một thói quen tai hại: bắt
chước không suy nghĩ không tư duy như một cỗ máy. Từ chỗ làm theo từng bước
có sẵn mà không suy nghĩ đến chỗ biến thành thói quen thì khả năng nhận định và
tư duy sẽ bị thui chột. Chẳng những vậy, thói quen này kiềm hãm sự thẩm thấu
kiến thức xuyên qua hàng loạt những câu hỏi. Tự đặt câu hỏi chính là cách buộc
trí não mình làm việc và là viên đá đầu tiên để dấn thân vào chỗ phát triển trí
tụệ.
4. Sợ khó:
Sợ khó tưởng chừng quá
thông thường trên mọi lãnh vực nhưng trong lãnh vực CNTT thì thói quen "sợ
khó" là thói quen giết chết ngay bước đầu làm quen và phát triển. Chẳng có
ngành nghề thực thụ, đòi hỏi trí tuệ mà lại dễ dàng hết. Thói quen "sợ
khó" biểu hiện từ chuyện đơn giản như học ngoại ngữ (để có thể tham khảo
thêm tài liệu ngoại ngữ) cho đến chuyện tự mình đối diện với những khó khăn
trong khi trau dồi kiến thức và kinh nghiệm. Thói quen này lâu dần ăn sâu và
dẫn đến chỗ không muốn và không thể giải quyết được điều gì nếu chỉ cảm thấy có
trở ngại. Nên tránh xa câu này: vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản.
5. Viện cớ:
Quá trình tích lũy
kiến thức luôn luôn có những khó khăn và trở ngại. Nếu chính bản thân mình
không tự kỷ luật và tự nghiêm khắc thì chẳng còn ai trên đời này kỷ luật và
nghiêm khắc giúp mình. Từ chỗ không kỷ luật và không nghiêm khắc, chỉ cần một
thời gian rất ngắn có thể dẫn đến sự đổ vỡ, sợ hãi, chán nản và để bào
chữa cho sự đổ vỡ thường là những viện cớ. Viện cớ chỉ để ẩn nấp sau cái cớ
nhưng sự thật sụp đổ vẫn tồn tại. Tránh xa những câu như "nhà em
nghèo", "hoàn cảnh khó khăn", "vì em là newbie" mà nên
biết rằng vô số những người khác cũng như mình và thậm chí còn khó khăn hơn
mình. Nên nhớ rằng, ngay khi dùng cái cớ để viện thì lúc ấy mình đã chính thức
thất bại rồi.
6. "Đi tắt đón
đầu":
Trên đời này chẳng có
loại tri thức đích thực nào hình thành từ "đi tắt" và "đón
đầu" cả. "Mì ăn liền" có cái ngon của nó nhưng chính "mì ăn
liền" không thể hình thành một bữa ăn thịnh soạn và đầy đủ. Tri thức đích
thực cũng như thức ăn, nó cần điều độ, liều lượng và thời gian để... tiêu hoá.
Tư duy và thói quen "đi tắt" luôn luôn dẫn đến những lổ hổng khủng
khiếp trong kiến thức. Những lổ hổng ấy xem chừng không nhiều và không quan
trọng khi kiến thức còn ít ỏi và nhu cầu công việc còn sơ khai. Tuy nhiên, một
khi đối diện với những khó khăn và phức tạp trong công việc và trong đời sống
thì những thứ "đi tắt đón đầu" là nguyên nhân sâu xa của những đổ vỡ
và thất bại. Hãy nhớ: đừng đi tắt và đừng đón đầu bởi vì chẳng có cái
đường tắt nào trong hành trình đi tìm tri thức.
7. "Nghe nói
là..."
Cụm "nghe nói
là..." là một cụm phổ biến đến độ chóng mặt. Bất cứ một ngành khoa học hay
có liên quan đến khoa học không thể dựa trên "nghe nói" mà luôn luôn
cần dựa trên các bằng chứng khoa học và những bằng chứng ấy cần chính xác và cụ
thể. Chính vì có thói quen "nghe nói" mà đánh rớt những cơ hội tìm
tòi và kiểm chứng; những cơ hội quý báu để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm.
Cái gì không rõ thì nên tìm tòi và đừng "nghe nói" mà phải được thấy,
được phân tích và được kiểm chứng. Không bỏ được thói quen này thì cách tốt
nhất đừng bén mảng gần bất cứ ngành khoa học nào vì chỉ chuốc lấy sự thất bại
và lãng phí.
8. Niềm tin và hy
vọng:
Trong khoa học, khi
nói đến kết quả và sự kiến tạo hoặc thậm chí con đường đi đến sự kiến tạo và
kết quả thì hoàn toàn không có chỗ cho "niềm tin" và "hy
vọng" một cách mù mờ. Thói quen "restart" lại máy hay
"restart" lại chương trình với "hy vọng" nó sẽ khắc phục sự
cố đã trở thành thói quen cố hữu. Nếu không có điều kiện thay đổi nào khác thì
có "restart" một triệu lần và hy vọng một triệu lần thì kết quả vẫn y
hệt nhau. Đừng "tin" và đừng "hy vọng" vào sự thay đổi của
kết quả nếu như chính bạn không kiểm soát và thay đổi để tạo thay đổi trong kết
quả. Tất cả mọi hoạt động từ lập trình cho đến quản lý hệ thống, quản lý mạng,
bảo mật, reverse engineering.... thậm chí đối với người dùng bình thường, khi
kết quả không như ý, sự điều chỉnh là điều cần thiết thay vì lặp lại y hệt hành
động và chỉ... hy vọng.
9. Không vì trí tuệ mà
vì... "đẳng cấp":
Lắm bạn lao vào ngành
này không phải là vì trí tuệ, vì kiến thức, vì đóng góp một cái gì đó ích lợi
cho xã hội mà là vì... đẳng cấp mơ hồ nào đó. Nếu tiếp tục lao vào và chọn lấy
một muc tiêu mơ hồ thì sẽ không bao giờ đi đến đích được. "Đẳng cấp"
là một thứ mơ hồ, vô ích và đầy cá nhân tính nhưng khi nó biến thành thói quen
và mục tiêu để nhắm tới thì nó chẳng mang lại được gì ngoài sự thất bại ngay từ
đầu vì hoàn toàn không có một phương hướng nào cả. Trau dồi kiến thức hoàn toàn
khác với việc xoa dịu mặc cảm ("đẳng cấp").
10. "Quá muộn":
Nên tránh xa suy nghĩ và thói quen cho rằng "quá muộn" để không đối đầu với nó. Chẳng có gì là quá muộn cả. Một cụ già 70 có thể lụi cụi vào đại học thì một chàng trai trẻ không có bất cứ một lý do nào có thể có chữ "muộn" trong đầu.
Nên tránh xa suy nghĩ và thói quen cho rằng "quá muộn" để không đối đầu với nó. Chẳng có gì là quá muộn cả. Một cụ già 70 có thể lụi cụi vào đại học thì một chàng trai trẻ không có bất cứ một lý do nào có thể có chữ "muộn" trong đầu.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét